Teens hãy chuẩn bị tinh thần để chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids (một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm) vào rạng sáng 13/8. Hãy yên tâm là cực điểm của mưa sao băng lần này thậm chí là lên tới 100 vệt/h đấy. Nguồn gốc của mưa sao băng PerseidsMưa sao băng Perseids là trận mưa sao băng nổi tiếng vốn đã được người Trung Hoa cổ đại nghi nhận từ năm 36. Chúng ta có thể quan sát được đợt mưa sao băng này từ 17-7 đến 24-8 hằng năm khi đám mây bụi cắt ngang quĩ đạo của Trái Đất.
Vào thời gian mưa sao băng diễn ra cực điểm khoảng 12-8 hàng năm, người ta có thể đếm được trung bình 50 sao băng trong 1 giờ (Tuy nhiên theo tính toán năm nay sẽ lên đến 100 sao/giờ).
Các thiên thạch nhỏ với vận tốc hơn 60km/s bốc cháy khi bay vào khí quyển của Trái Đất, để lại những vệt sáng dài trên bầu trời đó thật là những hình ảnh đẹp khó quên đối với người quan sát.
Perseids năm nay sẽ thế nào?Năm nay cực điểm của Perseids theo dự báo của trang IMO (http://www.imo.net/) sẽ rơi vào 11h30m-14h00m UT ngày 12/8, chuyển sang giờ Việt Nam ta sẽ là 18h30m-21h00m cùng ngày.
Rất tiếc vào thời điểm này chòm Perseus (Anh Tiên) - tâm điểm của sao băng chưa mọc lên khỏi đường chân trời do đó ta không thể quan sát được đúng vào cực điểm.
Thế nhưng hãy yên tâm vì Perseids là một trận lớn nên dù qua giờ cực điểm thì tần suất sao băng vẫn còn rất cao, ta sẽ cố chọn thời điểm quan sát càng gần cực điểm càng tốt.
Vào khoảng thời gian này chòm Perseus mọc vào khoảng 0h, nghĩa là theo lý thuyết ta có thể bắt đầu quan sát sao băng từ 0h, nhưng trên thực tế lớp khí quyển dày đặc, mây và sương gần chân trời sẽ cản trở rất nhiều những ánh sao băng.
Theo kinh nghiệm ta chỉ nên quan sát khi chòm Perseus đã lên cao cách chân trời 30 độ trở lên (Nếu dang thẳng cánh tay trước mặt, 30 độ tương đương chiều rộng của 3 nắm tay bạn). Vì vậy thời gian quan sát tối ưu sẽ từ lúc 2h sáng (rạng 13/
trở đi lúc chòm Perseus (Anh Tiên) đã lên cao khoảng 30 độ khỏi chân trời Đông Bắc.
Muốn xác định được dễ dàng, bạn nên chờ đến khoảng 3h khi chòm chòm Perseus đã lên cao hơn. Hãy nhìn đúng hướng Đông Bắc, cách chân trời khoảng 20 độ (chiều rộng 2 nắm tay) bạn sẽ dễ dàng thấy được một ngôi sáng màu vàng nổi bật, đó chính là sao Capella của chòm Auriga (Ngự Phu).
Bây giờ chếch về phía tay phải lên cao khỏi chân trời khoảng 30 độ có một sao nổi bật khác màu đỏ cam mang tên Aldebaran của chòm Taurus (Kim Ngưu), hãy kiểm tra lại Capella và Aldebaran vừa tìm cách nhau khoảng 3 nắm tay để chắc chắn. Từ 2 sao vừa tìm này bạn hãy chú ý chúng tạo với sao Algol của chòm Perseus 1 tam giác gần cân với đỉnh là Aldebaran (xem hình).
Từ sao Algol chếch xuống phía dưới bên trái một chút là sao Mirfak có độ sáng gần tương đương. Hai vì sao chính của chòm Perseus này sẽ giúp bạn lần ra các sao phụ khác xung quanh.
Nếu bạn chưa tìm được chòm Perseus, đừng lo lắng! Quan sát mưa sao băng hoàn toàn không phụ thuộc một vị trí quá cụ thể trên bầu trời mà chỉ cần sự quan sát tổng quát cả vùng trời rộng hướng về nơi có tâm điểm của trận. Hãy quay mặt về đúng hướng Đông Bắc và nhìn cả vùng trời ấy là bạn đã có thể yên tâm chiêm ngưỡng sao băng rồi.
Một số kinh nghiệm cá nhân cho quan sát mưa sao băng:
- Quan trọng nhất là điều kiện thời tiết, trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng bạn nhé! Nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường.
- Tính kiên trì cũng không kém quan trọng! Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, ở một trận lớn như Perseids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng "xẹt" liên tục 2-3 cái.
- Nên thay đổi vị trí quan sát liên tục cả vùng trời rộng đừng tập trung một chỗ. Đừng hiểu nhầm tâm điểm ở chòm Perseus có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy đường kéo dài hướng bay của sao băng có vẻ chụm lại ở chòm Perseus.
- Do từ 3h trở đi vị trí chòm Perseus cùng “vùng trời sao băng” sẽ lên khá cao gần trên chân trời Đông bắc nên việc đứng quan sát sẽ làm cổ bạn rất mỏi, nên tìm một nơi để nằm như ghế bố, võng…sẽ thoải mái hơn rất nhiều và giúp ta kiên trì quan sát.
- Chú ý giữ ấm, tránh sương, thức ăn và thức uống nóng tại chổ sẽ thêm phần thú vị đấy.